Ẩm thực trong ngày Tết hết sức quan trọng: phải làm sao ăn ngon, đơn giản, dễ làm mà còn trang trọng để có thể dùng cúng tổ tiên.
Ngày Tết người miền Nam thường dùng các món để lâu được như khổ qua hầm, thịt kho tàu, đầu heo ngâm giấm… để ai cũng được thảnh thơi đi chơi, chúc tết không bận bịu chuyện bếp núc. Nhà văn Sơn Nam từng viết: "Dịp cúng giỗ tổ tiên, chẳng ai hiểu rõ ông bà thời xa xưa khi vào Nam thích ăn món gì, chế biến các vật tư ra sao, nhưng tùy hoàn cảnh mà có bốn món: hầm, thịt, luộc, xào, kho…".
Vài món ăn ngày Tết sau đây được tác giả Dương Văn Minh Lộc chế tác dựa theo truyền thống nhưng đơn giản, ít chất béo, phù hợp cách ăn uống hiện đại. Thêm nữa, các món này còn là những lời chúc đầu năm đến bà con cô bác.
Ba món khổ qua
Nguyên liệu:
1kg khổ qua nhỏ, 300gr nạc giò heo, 500gr tôm hoặc cá thu, 100gr bột gạo, 100gr cà rốt, 2 quả trứng gà, 5 tai nấm mèo, 1 lọn bún tàu (miến), hành lá, hành tím, tỏi, nước mắm, muối, tiêu, đường.
Chế biến:
29 Tết: chuẩn bị nguyên liệu
Mua khổ qua nhỏ cỡ hai ngón tay, rửa sạch, rạch bỏ hết ruột, ngâm trong nước muối pha loãng. Nạc giò heo, cá thu hoặc tôm băm nhuyễn. Bún tàu, nấm mèo ngâm nước cho mềm, cà rốt, củ năng rửa sạch gọt vỏ, thái hạt lựu tất cả.
Trộn nạc giò heo, cá thu (tôm), củ năng, cà rốt, bún tàu, nấm mèo với 1 quả trứng gà, nước mắm, tiêu, đường, hành tím, tỏi (mỗi thứ khoảng một muỗng cà phê), 1 muỗng canh hành lá thái nhỏ để làm nhân. Khổ qua vớt ra để ráo nước, nhồi nhân vào vừa phải. Xếp khổ qua vào hộp nhựa cất tủ lạnh.
30 trới mùng 2 Tết
Mỗi bữa ăn, chỉ việc lấy vài trái khổ qua ra, có thể làm các món sau:
Chả giò khổ qua: hòa bột gạo với trứng gà, nhúng từng trái khổ qua và bột trứng chiên giòn, ăn với xà lách, nước mắm ớt. Ăn giòn, ngon, không ngán.
Hoa mai khổ qua: trụng khổ qua trong nước cho săn lại, cắt từng khoanh và chiên chừng 5 phút trong dầu nóng, cà rốt sẽ nổi lên giữa nhân như hoa mai vàng.
Khổ qua hầm: nấu nước dùng với tôm khô, trụng sơ khổ qua rồi cho vào nồi hầm trong vòng 20 – 30 phút là chín mềm.
Thịt luộc trộn trái sung (Sung túc quanh năm)
Nguyên liệu:
1kg thịt đùi, 200gr sung muối, 100gr tôm khô ngon, 300gr bắp cải, 50gr ớt sừng trâu, 1 củ hành trắng, hành lá, hành tím, tỏi, rau răm, nước mắm, tiêu, đường, dầu mè, tắc (quất).
Chế biến:
29 Tết: chuẩn bị nguyên liệu
Sửa soạn đầy đủ nguyên liệu, sung muối có thể mua trong siêu thị rất nhiều vào dịp gần Tết, nhưng có thể tự làm như sau:
Ngâm sung xanh trong nước pha 1 muỗng canh vôi ăn trầu khoảng 3 tiếng, sau đó xả thật kỹ bằng nước lạnh. Nấu nước muối: 50gr muối/1 lít nước, bỏ vào vài tép tỏi cho thơm. Ngâm sung trong nước muối nguội chừng 3 ngày là dùng được.
30 đến mồng 2 Tết:
Nấu nước sôi bỏ vào chút muối, khi nước sôi mạnh cho vào nồi 5 nhánh hành lá nõn vô rồi mới cho thịt vào luộc chừng 20 – 25 phút, lấy đũa xiên thấy thịt mềm là chín (kích thước miếng thịt chừng 5 x 20 cm là vừa). Pha sẵn nước chín hòa 1 muỗng cà phê dầu ăn, thịt vừa vớt ra nhúng ngay vào để thịt giòn và có màu trắng hồng. Thái thịt thành lát mỏng ngâm trong nước mắm pha chanh, ớt, đường, tỏi nhưng thật loãng vì sung muối rất mặn.
Sung xắt miếng, củ hành trắng thái mứt cam, hành lá cắt khúc 3cm, ớt sừng, bắp cải rửa sạch thái sợi. Vắt lấy nước 3 trái quất (tắc) trộn cùng 1 muỗng canh dầu mè, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê tiêu. Hỗn hợp này dùng để trộn sung, bắp cải, hành lá và hành tây thật đều.
Phi hành tím, tỏi băm vàng, bỏ thêm tôm khô vào cho thơm. Trộn thịt thái mỏng, tôm khô phi hành tỏi với bắp cải, sung, hành trắng… đã trộn. Thái rối vài cọng rau răm bỏ lên mặt đĩa trộn. Dùng với bánh tráng tôm đỏ nướng.
Gợi ý thêm:
Nếu trong vườn nhà bạn có cây sung, hãy hái những trái chín cây đỏ rực đem ngào đường, ăn dẻo và ngon như một thứ mứt tết. Cách làm như sau:
Ngâm sung chín trong nước vôi ăn trầu khoảng 2 tiếng rồi rửa sạch. Cứ 1kg sung, 1 kg đường, 0,75 lít nước lạnh, đặt lên chảo sên đều cho tới khi đường kéo chỉ là được.
Thơm dừa kho tứ quý (Thơm khắp nhà suốt năm mới)
Nguyên liệu:
1 trái dừa tươi, 1 trái thơm, 1kg thịt đùi heo, 0,5kg cá lóc, 0,5kg mực tươi, 300gr măng le tương, 100gr giò heo, 30 quả trứng cút, hành lá, hành tím, tỏi, gừng, nước mắm, muối, tiêu, đường.
Chế biến:
29 Tết: chuẩn bị nguyên liệu
Dừa tươi đã lấy hết nước ra, dùng dao nhọn róc cơm dừa bên trong sao cho trái dừa vẫn nguyên vẹn, nếu ít thời gian bạn có thể nhờ người bán dừa làm công việc này. Thịt heo rửa sạch, thái miếng cỡ 5 x 3cm, ướp với nước mắm (2 muỗng cà phê), tiêu, hành tím, hành lá, tỏi, đường chừng 30 phút. Lấy hành lá đã trụng nước sôi quấn quanh miếng thịt.
Cá lóc cắt khoanh dày 1cm, ướp nước mắm (2 muỗng cà phê), gừng, hành lá, hành tím, tỏi. Thơm cắt lát mỏng 1cm, chiên sơ hai mặt trong dầu ăn (có phi tỏi) chừng 3 phút. Thịt nạc giò heo băm nhuyễn, mực tươi băm nhuyễn trộn đều với tiêu, hành lá, nước mắm. Măng le trụng nước sôi hai lần, xả kỹ bằng nước lạnh cho hết đắng, cắt khúc cỡ 3cm. Nhồi hỗn hợp mực, giò heo vào ruột măng. Trứng cút luộc chín bỏ vỏ. Lót thơm vào trái dừa, kế đến là một lát cá, một miếng thịt, vài cái trứng cút, sau đó lại thêm hai lát thơm. Xếp trái dừa, măng le vào nồi.
Làm nước mắm dừa: phi hành, tỏi cho vàng rồi đổ vào một chén nước mắm ngon, khi sôi thêm 3 muỗng cà phê đường, cho hết nước của 5 trái dừa vào, để lửa to cho đến khi sôi. Nước mắm dừa kho chung với thịt cá, măng le… chừng 1 tiếng (lửa nhỏ); lúc nguội cho vào tủ lạnh.
30 tới mùng 2 Tết:
Mỗi bữa ăn, lấy một hoặc hai trái dừa kèm trứng cút và măng le kho lại. Cuốn với bánh tráng, dưa giá hoặc ăn với cơm nóng đều ngon.
Bao tử heo hầm đu đủ (Đầy đủ suốt năm)
Nguyên liệu:
3 cái (khoảng 2kg) bao tử heo, 2 trái đu đủ xanh (khoảng 1kg), 300gr đu đủ xanh, 200gr bạch quả, 2kg xương heo, 60gr táo đỏ, 300gr cà rốt, 300gr củ cải trắng, hành lá, hành tím, tỏi, gừng, nước mắm, muối, tiêu, đường.
Chế biến:
29 Tết: chuẩn bị nguyên liệu
Bao tử heo rửa sạch, dùng muối chanh xát kỹ, đảo đều hai mặt với 1 muỗng canh nước mắm trong chảo nóng để bao tử heo thơm. Củ cải trắng, cà rốt, đu đủ gọt vỏ tỉa hoa, cắt khoanh tròn. Sen tươi, bạch quả, táo đỏ rửa sạch nấu cho mềm, xong dồn vào bao tử heo, khâu kín lại bằng chỉ.
Xương heo nấu với 3 lít nước, cô lại còn 2 lít nước dùng. Nướng 3 củ hành tím, 1 củ gừng cho thơm, bỏ vào nước dùng đã lọc kỹ, tiếp theo là bao tử heo, củ cải trắng, đu đủ, cà rốt hầm với nước dùng khoảng nửa tiếng để lửa nhỏ. Nguội cho vào tủ lạnh.
30 tới mồng 2 Tết:
Mỗi bữa ăn, lấy 1 bao tử cùng đu đủ, củ cải trắng, cà rốt, nước lèo vừa đủ ăn, hâm với lửa liu riu trong vòng 1 giờ. Múc ra tô, cắt bao tử heo thành lát mỏng hoặc vuông. Dùng nóng với cơm hoặc bún tươi, mì trụng.
Phèo tim xào xoài xanh (Xài ít tiết kiệm nhiều)
Nguyên liệu:
350gr tim heo, 500gr phèo heo, 2 trái xoài xanh, cần tây, ớt sừng trang trí, hành lá, hành tím, tỏi, nước mắm, tiêu, đường, dầu mè.
Chế biến:
29 Tết: chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu
Cần tây, xoài xanh, ớt sừng rửa sạch. Phèo heo rửa sạch bằng nước muối, trụng nước sôi, để ráo nước. Tim heo luộc chín. Bỏ tim, phèo heo vào tủ lạnh.
30 tới mồng 2 Tết
Phèo, tim heo thái quân cờ 3cm ướp nước mắm, tiêu, dầu mè, đường, hành lá, hành tím, tỏi băm (mỗi thứ 1 muỗng cà phê). Xoài xanh băm sợi ngâm nước muối, cần tây cắt khúc 3cm, ớt sừng thái sợi. Phi hành tím, tỏi băm cho thơm, bỏ thêm vài nõn hành lá, xong cho tim, phèo heo vào xào với lửa lớn, rồi cho tiếp cần tây, ớt sừng vào. Nêm thêm 1 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng tiêu.
Bày ra đĩa, xoài xanh rắc chung quanh. Ăn với cơm nóng hoặc cuốn bánh tráng chấm nước mắm tỏi ớt.